Ông Hoàng Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc FPT Telecom cho biết, dù mức cước cáp quang đang có xu hướng ngày càng giảm nhưng giá thiết bị đầu cuối cho mạng cáp quang vẫn còn tương đối cao so với mặt bằng chung cũng như các chi phí khác về hạ tầng, bảo dưỡng, bảo mật, nhân lực.. đòi hỏi sự đầu tư rất lớn của các nhà cung cấp dịch vụ. Sự cạnh tranh về giá vô hình trung làm cho khách hàng liên tục chuyển mạng dẫn đến việc khó có thể thu hồi vốn của các nhà cung cấp dịch vụ.
Việc lôi kéo khách hàng bằng cách giảm giá không chỉ diễn ra trong các doanh nghiệp mới tham gia thị trường mà ngay cả các doanh nghiệp internet cũ cũng đều phải giảm giá để cạnh tranh. Tình trạng giảm giá, cạnh tranh khách hàng của nhau dẫn đến không có sự khác biệt giữa giá cả và chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp. Khách hàng quay vòng giữa nhà mạng này sang nhà mạng khác để hưởng khuyến mãi, khiến cho tỷ lệ khách hàng rời mạng trong các doanh nghiệp đều tăng cao.
“Tuổi thọ” trung bình của một hợp đồng dịch vụ chưa đến 2 năm và với thời gian này thì doanh nghiệp sẽ không hy vọng có lãi. “Ví dụ một khách hàng nếu trả mức cước dịch vụ “mơ ước” hiện nay là 300 nghìn/tháng thì sau 2 năm người dùng sẽ trả khoảng 7,2 triệu đồng. Mức phí này không đủ đảm bảo để doanh nghiệp có lãi vì chi phí đầu tư cho cáp quang là rất lớn”, ông Kiên nhấn mạnh.
Tại Hội nghị Giao ban Bộ TT&TT từ năm 2014, Tổng Giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng đã từng bày tỏ sự e ngại hiện tượng bán phá giá trong lĩnh vực dịch vụ băng rộng cố định sẽ có thể khiến cho mọi doanh nghiệp hạ tầng không thể có đủ tiền tái đầu tư mở rộng hệ thống cáp quang, thậm chí không thể sống nổi.
Ông Hùng cũng lưu ý bài học kinh nghiệm đã từng xảy ra với lĩnh vực phát triển dịch vụ 3G, lúc đầu không quản lý tốt, để các doanh nghiệp cạnh tranh đua nhau hạ giá xuống, khi thua lỗ thì lại hò nhau tăng lên, gây phản ứng trong dư luận. 1 năm sau, cũng trong Hội nghị Tổng kết của Bộ TT&TT , ông Hùng đã nhắc lại câu chuyện này khi cho rằng, trong vòng từ năm 2013 trở lại đây tốc độ tăng trưởng dịch vụ băng rộng của VNPT đã tăng gấp 20 lần về số lượng thuê bao nhưng cước dịch vụ băng rộng lại giảm rất mạnh.
Nguyên nhân do cạnh tranh giữa các nhà mạng nên cước thuê bao băng rộng giảm mạnh, trước kia giá thuê bao bình quân từ 600 nghìn -700 nghìn đồng nay giảm chỉ còn 300 nghìn đồng, có gói cước chỉ 150 nghìn đồng/tháng. Trên cơ sở đó, ông Hùng đề nghị, cơ quan quản lý cần xem xét có chính sách để hạn chế cuộc chiến cạnh tranh về giá cáp quang, chống nguy cơ bán phá giá để thị trường đi vào ổn định.
Xem ngay bảng giá cước khuyến mãi mạng wifi Fpt mới nhất
Hệ lụy canh tranh về giá cước internet cáp quang tại Việt Nam
Ngoài ra, khi các doanh nghiệp bị cuốn vào cuộc cạnh tranh về giá, sẽ không ai tính được đến câu chuyện đầu tư lâu dài, nghiên cứu phát triển công nghệ, dịch vụ mới… Qua đó, về dài hạn, cả doanh nghiệp lẫn người dùng sẽ đều bị ảnh hưởng.
Ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc Công ty Netnam cho biết, sự phát triển “ăn xổi” , chỉ nhìn trong ngắn hạn dẫn đến không có sự phát triển đồng bộ, không có sự quy hoạch dẫn đến các “rác” trong đô thị.
Nguyên nhân là do các nhà mạng “mạnh ai người nấy làm” nên có rất nhiều cáp treo trên các cột điện thay vì hạ ngầm cáp, không có quy định dùng chung hạ tầng nên trên một cột điện có đến rất nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ làm lãng phí rất lớn nguồn lực của doanh nghiệp.
Chưa kể đến, sau một thời gian, đơn vị quản lý nhà nước lại phải dọn dẹp cột điện gây tổn thất nguồn lực, chi phí xã hội. “Bài học từ sự phát triển quá nóng của ADSL mà không có quy hoạch đồng bộ trong giai đoạn trước dẫn đến rất nhiều rác cáp treo ở cột điện làm ảnh hưởng mỹ quan đô thị và Sở TT&TT địa phương lại tốn công dọn dẹp”, ông Bình nói.
Theo nhiều chuyên gia, việc cạnh tranh về giá cáp quang sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi đó, thị trường cáp quang có thể rất phát triển trong ngắn hạn nhưng trong dài hạn thì sẽ dễ dẫn đến độc quyền. Bởi vì, lúc đó sẽ chỉ còn các doanh nghiệp lớn như VNPT hay Viettel được bù đắp lợi nhuận từ những dịch vụ khác. Khi thị trường ở thế không còn sự cạnh tranh thì khách hàng sẽ là người chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Ông Bình cũng cho rằng, sau việc đua nhau giảm giá cước, cuộc chơi lâu dài sẽ chỉ còn là của những doanh nghiệp quy mô lớn, cung cấp nhiều loại dịch vụ để có thể bù đắp chi phí cho nhau. Những nhà mạng nhỏ hơn sẽ chỉ tập trung cho khách hàng doanh nghiệp có mức cước cao hơn nhưng đi kèm các dịch vụ cộng thêm hơn là hướng đến các hộ gia đình. Hiện Netnam cũng chỉ nhắm đến lớp khách hàng doanh nghiệp ở các thành phố lớn đông dân cư với mức phí trên dưới 1 triệu đồng, cam kết 12 tháng sử dụng.
Ông Đặng Tùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc CMC Telecom cho biết, do mức giá hiện nay đã giảm xuống quá thấp nên hiện CMC Telecom chỉ tập trung bán gói cước cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp với chất lượng và dịch vụ ổn định thay vì giảm giá để hướng đến hộ gia đình. Ngoài ra, CMC Telecom cũng chỉ bán dịch vụ Internet cáp quang ở các thành phố lớn, ở các khu tập trung, các toà nhà văn phòng, trụ sở các doanh nghiệp.
Ngoài ra, đơn vị này đang kết hợp với VTV Cab để cung cấp gói cước Internet trên mạng truyền hình cáp. Tuy nhiên, trước mức giá quá thấp như hiện nay, dù chịu áp lực cạnh tranh rất lớn nhưng cả VTV Cab và CMC Telecom đã thống nhất là không thể bù lỗ để giảm giá xuống sâu hơn được nữa. "Với mức giá cáp quang 150.000 đồng/tháng như hiện nay thì khả năng các doanh nghiệp phải bù chéo từ dịch vụ khác sang mới có thể duy trì được. Còn những doanh nghiệp không có dịch vụ khác bù sang thì không thể cung cấp nổi" ông Đặng Tùng Sơn nói.
Có lẽ không chịu nổi "nhiệt" trong cuộc đua giảm giá cước, FPT telecom đã phải bấm bụng đi theo một hướng mới. Đầu tháng 7/2016, FPT Telecom đã thực hiện chương trình “Nâng băng thông – điều chỉnh ưu đãi”, trong đó băng thông Internet cáp quang được tăng lên từ 20%-70% còn mức cướcđược điều chỉnh từ 10 nghìn – 30 nghìn đồng.
Lý giải về sự điều chỉnh này, ông Kiên cho biết, FPT Telecom đang thực hiện nâng băng thông và giảm bớt các khuyến mại. Ví dụ, mức cước cáp quang hàng tháng niêm yết với cơ quan quản lý nhà nước khoảng 400 - 500 nghìn đồng nhưng các nhà mạng luôn không thu được đầy đủ số tiền đó mà thường sau khi áp dụng ưu đãi, khuyến mại, khách hàng sẽ chỉ phải trả trên dưới 250 nghìn đồng.
Do đó, việc FPT Telecom điều chỉnh giảm phần ưu đãi này khiến mức cước thay đổi từ 10 nghìn đồng – 30 nghìn đồng cũng chỉ để bù đắp một phần chi phí đầu tư và vận hành chứ không có lãi. “Tương tự là phần phí hòa mạng, trước đây, các nhà mạng đều thu khoảng 500 nghìn – 600 nghìn đồng nhưng hiện nay do khuyến mại nên cũng chỉ thu được từ 100 nghìn -200 nghì đồng, thậm chí có thể miễn phí. Do vậy, chúng tôi rất mong nhận được sự thông cảm và chia sẻ từ các khách hàng về khó khăn này”, ông Kiên cho biết thêm.
Việc các nhà mạng thay đổi mức cước sau khi liên tục giảm giá để cạnh tranh lẫn nhau không phải là chuyện lần đầu diễn ra, tháng 10/2013, VinaPhone, MobiFone và Viettel đồng loạt tăng giá cước dịch vụ 3G. Mặc dù có gói cước giảm và có gói cước giữ nguyên nhưng tính tổng thể thì cước 3G sẽ tăng khoảng 20%. Các mạng di động cho rằng lý do mà họ đề xuất tăng cước 3G là do dịch vụ này đang bán dưới giá thành quá nhiều. Vì vậy, nếu không tăng cước 3G thì nhà mạng sẽ bị lỗ và rất khó khăn trong việc đầu tư mở rộng mạng 3G cũng như đảm bảo chất lượng của dịch vụ này.
Xem ngay bảng giá cước khuyến mãi internet Fpt mới nhất
0
Bình luận. Hãy để lại câu hỏi hoặc thắc mắc của bạn