Trong hội thảo “Các giải pháp tăng doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền” tổ chức tại Huế vào giữa tháng 9 vừa qua, những số liệu về kinh doanh của ngành truyền hình trả tiền truyền thống (không gồm truyền hình OTT) tại Việt Nam cho thấy đang trong tình hình rất khó khăn.
Sự tăng trưởng đang chậm lại, từ 4-5%/năm về lượng thuê bao và 6-7% về doanh thu, song quan trọng là lợi nhuận ngày càng teo tóp không đủ tái đầu tư để sản xuất nội dung mới cũng như mua bản quyền nội dung từ nước ngoài.
Trong khi đó, nhiều dịch vụ truyền hình OTT từ nước ngoài vào Việt Nam chưa được cấp phép nhưng có nguồn doanh thu không nhỏ. Tại hội nghị trên, con số người xem YouTube, Netflix, FPT Play, ClipTV trong hai tháng 5 và 6 được công bố lần lượt là 2,6 - 1,3 - 0,9 - 0,35 triệu tài khoản/thuê bao.
Tốc độ tăng trưởng lên đến 50% của truyền hình OTT được cho là đang đe dọa tới nguồn thu của truyền hình trả tiền truyền thống. Đơn cử dịch vụ Netflix, con số được đề cập nhiều trong thời gian qua là có trên 300.000 thuê bao trả phí tại thị trường Việt Nam. Đồng nghĩa hãng truyền hình này mỗi tháng thu vào nhẹ nhàng 60 tỷ từ thị trường Việt Nam mà không đóng một đồng thuế nào.
Các dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới từ nước ngoài vào Việt Nam như Netflix, WeTV và iQIYI hoạt động “3 không”:
- Không có giấy phép hoạt động tại Việt Nam vì thế không tốn chi phí cho bộ máy quản lý, điều hành và kinh doanh.
- Không đóng thuế, dẫn đến phí dịch vụ thấp, phá giá thị trường.
- Không tuân thủ việc quản lý, kiểm soát nội dung. Tràn lan các nội dung nhạy cảm, bạo lực, không phù hợp với thuần phong mỹ tục tại Việt Nam.
Vị giám đốc trên cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác để phân phối dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình OTT nước ngoài vào Việt Nam theo khuôn khổ luật pháp hiện hành, vấn đề là họ có sẵn sàng hợp tác hay không”.
Siết chặt truyền hình OTT không phép tại Việt Nam
Vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với đại diện 4 hãng sản xuất tivi lớn tại Việt Nam là Samsung, LG, Sony và TCL phổ biến các quy định về quản lí dịch vụ truyền hình cho thấy việc từng bước siết chặt loại hình truyền hình OTT không phép trên nền tảng Internet.
Đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử đã yêu cầu 4 nhà sản xuất tivi triển khai các biện pháp để không trở thành phương tiện phát tán dịch vụ không phù hợp qui định pháp luật Việt Nam.
Cụ thể, các hãng tivi sẽ vô hiệu hóa tính năng truy cập dịch vụ Netflix trên hệ điều hành của tivi thông minh (smartTV) và nút Netflix trên bộ điều khiển từ xa (remote). Đồng thời với việc gỡ bỏ ứng dụng Netflix trên smartTV, các hãng cũng sẽ thông qua hệ thống cập nhật phần mềm để gỡ bỏ ứng dụng này trên kho ứng dụng đối với các sản phẩm smartTV đã được bán ra tại thị trường Việt Nam.
Chiếu theo quy định hiện hành, dịch vụ truyền hình Netflix đã chính thức được cung cấp tại thị trường Việt Nam có thu phí thuê bao hàng tháng từ đầu năm 2016, với nội dung được chuyển ngữ sang tiếng Việt bằng phụ đề. Tuy nhiên đến nay, dịch vụ này vẫn chưa có giấy phép về hoạt động dịch vụ truyền hình cũng như tuân thủ các quy định về quản lí nội dung.
Thuê bao truyền hình OTT Netflix có trả phí tại Việt Nam hầu hết xem trên thiết bị smartTV, với các gói cước có mức phí từ 180.000 - 260.000 đồng/tháng. Netflix chưa có pháp nhân hoạt động tại Việt Nam, khách hàng thanh toán cước phí chủ yếu qua thẻ tín dụng, từ đó Netflix cũng không thực hiện các nghĩa vụ thuế.
Cùng với Netflix, gần đây một số ứng dụng OTT xem truyền hình trực tuyến từ nước ngoài như WeTV và iQIYI có nội dung phiên bản tiếng Việt với mức cước được cho rằng có dấu hiệu “phá giá” cũng tràn vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, theo giám đốc một doanh nghiệp truyền hình OTT, WeTV và iQIYI sau khi bị dư luận phản ánh đã rút lại phần phụ đề tiếng Việt và không còn niêm yết giá cước bằng tiền đồng Việt Nam.
0
Bình luận. Hãy để lại câu hỏi hoặc thắc mắc của bạn