Chương trình tái hiện chặng đường phát triển 20 năm qua của FPT Telecom. Thời kỳ khởi phát, FPT Telecom chỉ có 4 người trong căn phòng 6m2 ở tầng 3 tòa nhà FPT 89 Láng Hạ với tài sản quý nhất là chiếc PC Server IBM chạy phần mềm TTVN Server, 12 modem xếp chồng lên nhau trong một chạn bát bằng nhựa mua ngoài siêu thị và được một chiếc quạt cây thổi liên tục cho mát.
Sản phẩm ban đầu của Trung tâm Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online eXchange - FOX - tiền thân của FPT Telecom) là hộp phần mềm Trí Tuệ Việt Nam nhưng không thành công về tài chính. Cuối năm 1997, FOX bắt đầu cung cấp dịch vụ internet và có lãi. Năm 2002, FOX được Tổng cục Bưu điện trao giấy phép cung cấp dịch vụ kết nối Internet (IXP), trở thành đơn vị đầu tiên phá vỡ thế độc quyền trong việc cung cấp dịch vụ kết nối đường truyền Internet
Nhớ lại thời kỳ đầu, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng, lúc đó ngành viễn thông có những người khổng lồ với hạ tầng khổng lồ và họ là những nhà độc quyền mà không ai có thể cạnh tranh lại. "Ngày đó, FPT Telecom chẳng cần biết bài toán kinh doanh, mọi phí thu được dồn hết cho hạ tầng. Và khi Internet chuyển sang đến ADSL, FOX đứng trên bờ vực, chờ những ngày cuối cùng của mình".
Và rồi cơ hội lịch sử mở ra. Một trong những quyết định cân não nhất của FPT và các đơn vị liên quan là thay đổi mô hình công ty để có giấy phép thiết lập hạ tầng vào năm 2005. Chia sẻ về thời điểm lịch sử, Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, khẳng định: “Tôi tin vào ý chí và tinh thần của người FPT. Đó là lý do cá nhân tôi đặt trọn niềm tin khi tham gia vào quá trình cấp phép triển khai dịch vụ viễn thông cho FPT, để FPT có thể tham gia ngay từ đầu, phá bỏ thế độc quyền, mở cánh cửa khi đưa Internet vào Việt Nam”.
Sau hai thập kỷ, Viễn thông FPT đã có 14.000 người, bao gồm hai đối tác kỹ thuật là TIN và PNC, sở hữu tuyến trục Bắc - Nam dài hơn 9.200 km, hiện diện ở 59 tỉnh thành và không ngừng mở rộng vùng phủ ra ngoài biên giới Việt Nam.
Năm 2016 vừa qua cũng đánh dấu bước tiến mới của đơn vị khi chuyển đổi hạ tầng từ cáp đồng sang cáp quang. Hiện, FPT Telecom có khả năng cung cấp dịch vụ cáp quang đến 2 triệu hộ gia đình tại 59 tỉnh thành trên toàn quốc, đồng thời mở ra nhiều cơ hội phát triển mới. Là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chuyển đổi hạ tầng quang, năm 2015, mức tăng trưởng thuê bao cáp quang của FPT Telecom đạt con số ấn tượng là 1.900%, đưa thị phần thuê bao cáp quang của Viễn thông FPT tăng hơn 4 lần so với năm 2014.
Điểm nhấn trong năm qua là việc FPT Telecom trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên và duy nhất nhận danh hiệu Doanh nghiệp chuyển đổi kỹ thuật số của năm trong hệ thống Giải thưởng Viễn thông châu Á - Thái Bình Dương 2016 của IDC.
20 năm qua, FPT Telecom đã liên tục ứng dụng công nghệ mới, phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng nhằm mang đến cho hàng triệu khách hàng những trải nghiệm dịch vụ tốt nhất trên đường truyền internet như: dịch vụ Truyền hình FPT, dịch vụ chia sẻ dữ liệu trực tuyến Fshare.vn…
FPT Telecom luôn tiên phong đầu tư phát triển theo xu hướng công nghệ viễn thông mới nhất, từ ADSL đến FTTH, NGN đến MetroE, từ Wi-fi đến thử nghiệm LTE (4G), xây dựng các Trung tâm tâm dữ liệu (Data Center) đạt chuẩn Tier III, nhằm mang đến cho khách hàng đường truyền tốc độ cao, đảm bảo hiệu quả cao nhất cho hệ thống server/máy chủ của khách hàng đặt tại Data Center của FPT Telecom.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch FPT Telecom Chu Thanh Hà cho hay, 20 năm qua, tập thể đơn vị chưa cho phép mình được nghỉ ngơi và tự mãn với những gì đạt được. Đường trục Bắc Nam, thành công ở Campuchia, Truyền hình FPT hay chương trình quang hoá chỉ là một trong số nhiều thành quả mà FPT Telecom đã làm được, chứng minh cho sức mạnh, sức sang tạo, nỗ lực vượt khó, tinh thần đồng đội của "nhà Cáo".
“Không có thành công trải bước trên hoa hồng. Ngôi nhà FPT Telecom có được vững chắc như hôm nay, ngoài nền móng căn bản kế thừa từ những người sáng lập, còn nhờ sự vun đắp, xây dựng của cả một đội ngũ đoàn kết, nhiệt huyết và đầy kỷ luật”, chị Hà nhấn mạnh.
Trong chặng đường đáng tự hào, FPT Telecom đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của Internet Việt Nam, liên tục ứng dụng công nghệ mới, phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng trên đường truyền Internet, mang nhiều trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng, đồng thời phối hợp các đơn vị chức năng đảm bảo an ninh quốc phòng thông tin.
Không dừng lại ở Top 3 nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất tại Việt Nam, hòa vào làn sóng toàn cầu hóa, FPT Telecom đã sớm đầu tư và trở thành đơn vị số 1 về cung cấp dịch vụ Internet lại Campuchia và là doanh nghiệp viễn thông nước ngoài đầu tiên được nhận giấy phép triển khai hạ tầng, cung cấp dịch vụ viễn thông tại Myanmar.
Thành công bước tiếp thành công, năm 2016, doanh thu của FPT Telecom ước đạt trên 6.150 tỷ, tăng trưởng 20,4%. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 950 tỷ, tăng trưởng 9%.
Chúc mừng FPT Telecom, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh, với lòng tận tụy, tinh thần sáng tạo, vượt mọi khó khăn, Viễn thông FPT đã biến Internet trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của hàng triệu con người. “FPT Telecom đã góp phần thay đổi cuộc sống của họ, thay đổi cách họ làm việc, cách họ giao tiếp”, anh Bình khẳng định. “Và nay, khi thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các bạn đã đặt nền tảng để Việt Nam có thể tham gia cuộc cách mạng, để một ngày nào đó, đất nước ta, thanh niên chúng ta có thể sánh vai với các cường quốc năm châu".
TGĐ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) Hoàng Nguyên Học bày tỏ sự vui mừng khi chứng kiến những thành công vượt bậc của FPT Telecom trên nhiều lĩnh vực. "Hy vọng trong tương lai, trên đà nỗ lực phát triển, tinh thần sang tạo không ngừng, FPT Telecom sẽ tăng trưởng nhanh và mạnh hơn nữa".
Ôn lại quá khứ hào hùng, FPT Telecom cũng vạch ra đường hướng cho tương lai khi thế giới đang ở đầu ngọn sóng của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 bằng những việc cần thực hiện trong thời gian tới để đưa đơn vị lớn mạnh và trường tồn. "Nhà Cáo" khẳng định, chặng đường 10 năm tiếp theo của FPT Telecom sẽ gắn liền với các bước ngoặt trong công nghệ thế giới và quốc gia.
Trong vận hội đó, TGĐ FPT Telecom Nguyễn Văn Khoa đặt ra 5 hướng chính cho chiến lược phát triển của đơn vị. Đó là phủ rộng trên toàn quốc dịch vụ cốt lõi là Internet với chất lượng và sự trải nghiệm tốt nhất dành cho khách hàng; phát triển dịch vụ truyền hình FPT; phát triển các dịch vụ OTT như FPT Play, Fshare, Star Talk; bắt kịp xu hướng IoT và cuối cùng là Toàn cầu hóa.
Tại buổi lễ, nhằm biểu dương, tôn vinh những công lao và những thành tích xuất sắc của tập thể đơn vị, Chủ tịch Trương Gia Bình đã trao HC Sao Mai - danh hiệu cao quý nhất của tập đoàn cho FPT Telecom. Viễn thông FPT là tập thể thứ ba trong FPT được nhận danh hiệu cao quý này. Hai đơn vị được vinh danh trước đó là Tổ chức Giáo dục FPT và FPT Software.
Nhân dịp này, FPT Telecom đã tôn vinh 32 nhân viên gắn bó lâu năm và 20 gương mặt đại diện cho thế hệ trẻ, những người sẽ viết tiếp tương lai cho đơn vị.
0
Bình luận. Hãy để lại câu hỏi hoặc thắc mắc của bạn